PHIÊU DU KÝ

A Journal

Phiêu Du Ký ... Dọc Đường Cát Bụi ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com


Phần 4 - Năm học đầu tiên: Lớp 5

6/5/2012
Võ Châu Phương


Xin mời các bạn xem phần 4 - Lớp 5 của Võ Châu Phương ...




 Thường ngày đầu tiên con đi học, cha mẹ có cùng chung một tâm trạng, trông mong gặp lại con sau giờ tan học; để hỏi, để xem thái độ của con đối trường lớp và thầy cô như thế nào. Mẹ tôi còn nôn nóng hơn thế nữa, mẹ muốn biết tôi học ra sao, học được lớp mấy; nhưng thấy tôi về với dáng điệu thiểu nảo, nét mặt buồn xo, rồi vô buồn ngồi khóc, mẹ không cần hỏi nữa cũng đã biết, mẹ chờ tôi khóc hồi lâu mới đến an ủi:
- không sao đâu con! lúc đầu ai cũng gặp khó khăn.
 Nghe mẹ nói, bao nhiêu phiền muộn trong lòng dường như tan biến, nghe lời mẹ đi tắm và ăn cơm, lúc bụng no dể chịu, đem chuyện xảy ra ở trường kể hết, nghe xong mẹ nói:
 - Theo mẹ con nên học lớp bốn, con học được lớp 4 là mẹ vui mừng.
 Tôi nghĩ lớp năm chẵn có gì khó, nên nói với mẹ:
- Con không xuống lớp 4, con làm toán như các bạn, con đọc bài được. Thầy bảo xuống lớp, thầy không công bằng.
 Mẹ tôi nghiêm nét mặt, la:
- Tại sao con hổn hào như vậy ! Con học ở mức độ nào sao thầy không biết! Dám nói thầy không công bằng!
 Biết mẹ giận, không dám đưa ra lý lẻ nữa, nhưng xuống học lớp 4 quê với thằng em út, nên năn nỉ mẹ:
- Mẹ ơi! Nếu mẹ xin cho con học được lớp năm, con sẽ cố gắng hết sức để học; còn lớp 4, mẹ cho con ở nhà chăn trâu.
 Mẹ dịu giọng trở lại:
- Con đừng nghĩ đến côi trâu nữa, mẹ muốn con đi học.
 Sáng hôm sau mẹ cùng với tôi đến gặp thầy hiệu trưởng tại văn phòng, rồi mẹ thuật toàn bộ chuyện đã xảy, chuyện tôi khóc như thế nào, không chịu xuống lớp 4 thà đi coi trâu.
 Thầy hiệu trưởng cho biết thầy Khoa đánh giá tôi không đủ tình độ theo học lớp năm.
 Nghe xong mẹ tôi nói:
- Thưa ông hiệu trưởng, thầy Khoa đánh giá sức học của cháu rất đúng! Thú thật với ông, thời gian cháu học chẳn có là bao nhiêu, nhưng cháu là thằng bé sáng dạ, học ít đạt nhiều. Ngày đầu, chắc chắn cháu là học sinh tệ nhất lớp; nhưng ông hiệu trưởng và thầy Khoa cho cháu thêm một thời gian, tôi tin chắc cháu sẽ theo kiệp các bạn trong lớp.
- Bác nói em học chẳn có bao à?
- Dạ! đúng như vậy ông hiệu trưởng !
- Bác vui lòng kể quá trình học của em.
 Mẹ tôi kể lại cho thầy nghe, nghe xong thầy bảo hai mẹ con ra ngoài ngồi chờ, để thầy thảo luận với thầy Khoa. 
 Hai mẹ con ngồi chờ, mẹ tôi là mẩu người hay lo lắng, mẹ nói:
- Mẹ kể toàn chuyện hồi nhỏ con côi trâu, học chẳng là bao, sợ thầy không cho con học lớp bốn mà phải xuống lớp ba. 
Một hồi sau, thầy hiệu trưởng mời hai mẹ con vào, có mặt thầy Khoa ở đó, thầy nói:
- Bác Ba, nghe hoàn cảnh của em chúng tôi rất là thương, em từ đứa bé chăn trâu nay cố gắng để vào trường học, theo lương tâm nhà giáo, chúng tôi không muốn em phải trở lại coi trâu; nhưng nhà trường có nguyên tắc của nhà trường, học phải có chất lượng. Tôi cho em một cơ hội, cũng cho chính chung tôi một cơ hội, em sẽ làm bài kiểm tra chất lượng tại đây. Nếu em đạt được điểm trung bình sẽ giữ học lớp 5, còn đạt điểm 4 học lớp 4, điểm 3 học lớp 3. Bác và em có đồng ý không?
- Đồng ý! 
   Không biết vô tình hay cố ý, hai thầy cho bài kiểm tra toàn là toán nên tôi đạt được 6 điểm, chính thức học lớp năm; tuy vậy cứ vài ba tuần thầy Khoa dọa đưa tôi xuống lớp 4 nếu tôi không cố gắng nhiều hơn, làm cho tôi học với tâm trạng luôn phập phòng lo sợ.
   Khi vào học rồi, quả thật mới biết mình không đủ tình độ để học lớp 5, nhưng lở leo lên lưng cọp rồi, cương quyết không xuống. Trước đây học ở nhà hoặc học ở chú Hoàng Khôn chủ yếu làm toán, nay phải học thuộc lòng một bài học dài; không phải một môn mà năm môn, trong đó môn khoa học thường thức vô cùng khó khăn, từ ngử hoàn toàn xa lạ, thầy giảng cũng không hiểu, học bài khó nhớ. Phần lớn câu hỏi thầy đặt ra trong lớp, các bạn đưa tay trả lời dễ dàng; còn tôi, nghe câu hỏi cũng không hiểu, làm sao biết câu trả lời. Hơn nữa, mỗi lần đứng lên như bị một cực hình vì bên tai nghe tiếng cười khúc khích của các bạn, có nhũng lúc đứng xửng như trời trồng, thầy chịu không được phải bảo ngồi xuống, thật là xấu hổ, thật là mất mặt. Tôi cứ tưởng bạn bè trong lớp chê bay, khi dễ nên không chơi với ai, không nói vơi ai chỉ thỏ thẻ với mẹ. Mẹ nói, ai cười hở 10 cái răng, con đừng sợ bạn cười, con có phải biết lý do gì bạn cười. Nghe lời mẹ tìm một bạn chơi thân, đó là Võ Thành Lộc; chính bạn đó cho biết:
- Mỗi lần bồ đứng lên trong lớp, dáng điệu khúm núm trông mắc tức cười. Ai có thể nín cười được, với cái giọng ngọng nghiệu của bồ.
- Tui đâu có nói ngọng!
- Không ngọng à ! ông trời bồ đọc thành ông tời, số mười đọc thành số mừ, cá rô đọc cá gô... Đâu có học sinh lớp năm nào đọc kỳ cục như bồ vậy! 
  Bây giờ tôi mới biết được mỗi lần đọc bài hoặc trả lời các bạn thì cưòi còn thầy Khoa thì nhăn mặt. Qua Lộc và các bạn ngồi gần, tôi mói biết trình độ của mình còn quá thắp so các bạn trong lớp, chữ viết lại xấu, sai chính tả, một học sinh như vậy bảo thầy không nổi nống sao được, không cho xuống lớp sao được.
 Trong lớp có 31 bạn, tháng đầu tôi học hạng 30, đem bảng xếp hạng về sợ mẹ la, nào ngờ mẹ an ủi:
- Học đuọc một tháng rồi, thầy không cho xuống lớp vậy tốt rồi con.
 Tôi thấy sấu hổ với mẹ, anh tôi học quá giỏi, còn tôi thì quá dở,  buồn thiu nói:
- Không có tốt đâu mẹ, con học dở lắm, hạng 30.
- Con ạ! Đừng sợ mình dở! Mà chỉ sợ không biết cách nào để tiến lên.
 Khi biết mình học dở học kém so với các ban, mang mặc cảm tự ti, chán nản, thặm chí muốn nghĩ học. Mỗi lần sắp ngã xuống mẹ tôi nắm tay tôi lại; nói chuyện với mẹ, người cho tôi thêm sức mạnh, người cho tôi thêm lòng dũng cảm để chịu đựng thử thách, để tiếp tục học. Với sự cổ vũ của mẹ tôi cố gắng học, học ngày, học đêm, có thời gian rảnh là tôi đem bài vở ra học, học cực lực như thế trứoc khi nghỉ tết vẩn ở hạng 25.
  Tết đến, các bạn ai nấy cũng vui mừng đón xuân, còn tôi mừng có anh về chỉ dạy; bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu khó khăn trong học tập trông chờ gặp anh để hỏi. Khi anh vừa về đến nhà, hai anh em bàn ngay việc học, anh tôi hỏi:
- Lúc nầy em học có khá hơn không?
- Không! Em học ngu lắm, không có trí nhớ!
- Không đâu, ba còn biết em có trí nhớ, câu chuyện nào kể em nghe, dù bao lâu hỏi lại em vẫn nhớ.
- Chuyện kể thì em nhớ, bài học thì không.
- Đúng rồi! muốn thuộc bài, nhớ bài trước hết phải hiểu bài, và muốn hiểu bài em phải có kiến thức căn bản. Mùa hè rồi anh kêu em đọc sách, muố chỉ cho em thì em cứ lo ra. 
 Bây giờ mới biết ra, đẫ cố gắng hết mức mà không tiến lên được là do  không có kiến thức. Trước đây đâu để ý việc học, dù mẹ và anh đã nhiều lần nhắc nhở, cũng chỉ học qua lo; qua mấy tháng học thua kém, bị thầy chê bạn cười, nay đêm hết tâm trí cho việc học. Hai anh em không ăn tết, anh quyết tâm dạy, em quyết tâm học.  Anh giảng giải cơ bản để hiểu về khoa học thường thức, chỉ cách thức học thuộc lòng bài học, làm thế nào viết được một bài luận văn hay, và rất là quan trọng là tham khảo sách.
  Đầu năm trở lai học chúng tôi có thêm một thầy giáo, đó là thầy Tường, quê Cái Tranh con của bác Sáu chủ lò gạch, trước khi vào lớp thầy gặp Thọ , Kiệp và tôi để nhắc nhở:
- Ba em đừng nghĩ tôi cùng quê mà lờn mặt; em nào không học, tôi từng trị thẳng tay.
 Thầy quay sang tôi hỏi:
- Em định, Sau nầy làm nghề gì? Sao học tệ vậy?
 Tôi chỉ biết lặng thin, anh Kiệp trả lời:
- Nó tính làm bác sỉ đó thầy.
- Bác sỉ sao?
 Thọ, Kiệp đều cười và Kiệp trả lời:
- Người ta nói bs viết khó côi, nó viết chữ thầy Khoa còn đọc không được.
 Thầy Tường biết anh kiệp nói mỉa, cũng để chọc cười, thầy cười mỉm rồi nói:
- Nghe thầy Khoa nói nó nhúc nhát còn hơn con gái.
  Thầy là mẩu người năng động, để cho lớp sinh động, thầy khuyến khích cho những học sinh tình nguyện trả lời bằng cách trả lời dúng thầy cho điểm trật thầy bỏ qua; ưu đải nầy không dành cho học sinh bị chỉ định.
  Sau khi giảng xong, thầy hỏi bài, may mắn bài nầy tôi đã học lúc nghỉ tết, nên xưng phong trả lời, làm cho thầy và các bạn trong lớp ngac nhiên, thầy nói:
- Tôi cho em điểm tối đa! Em cũng rất là thông minh.
 Một câu nói đơn giản vậy mà tôi sung sướng tột cùng, nhờ câu nói nầy mà tôi lên hẳn tin thần, từ đó tôi mạnh dạn thường xiêng đưa tay trả lời câu hỏi của thầy Tường hay thầy Khoa. Từ đó tôi mới biết được, học trong tư thế chủ động, học trọng trạng thái hưng phấn, làm cho đầu óc sáng suốt, con người trở nên linh hoạt tiếp thu bài học một cách nhanh chống và dể dàng; cách học đó dường như biến tôi trở thành con người khác.  
 Còn thầy Khoa, ngày đầu trở lại lớp thầy cho làm  bài luận văn như sau: "Nhân diệp em về quê ăn tết thấy con trâu ăn cỏ trên cánh đồng. Em mô tả con trâu và hảy nói tình cảm của người nông dân đối với nó". Ngày trả bài luận lại cho lớp, tôi không nhận được bài,  thầy lấy cái cặp da của chị Cừu Thị Sạch để trên bàn, yêu cầu học sinh làm thêm môt bài luận tại lớp tả cái cặp da.
  Cả lớp thắc mắc nhưng không hỏi, không biết tại sao thầy vội vả cho bài luận như vậy, đến khi trả bài mới biết, lúc đó thầy nói:
- Thầy lấy làm ngạc nhiên và vui mừng cho một em, thường học kém trong lớp, nay tiến bộ làm bài luận văn rất hay. Bài  luận trả con trâu khi đọc thầy tưởng chép trong sách; thầy cho bài thứ hai tại lớp; đọc bài nầy, thầy rất là cảm động và vừa ý; Thầy biết chắc hai bài luận là do chính em đó làm.
 Rồi thầy đọc hai bài luận đó cho cả lớp nghe; tôi quá đổi  vui mừng vì bài đó là của mình.
 Một điều nữa đã lam cho thầy Khoa và cả lớp bàn hoàn tôi chiếm hạng nhất tháng đó; thầy Khoa không tin được, thầy đem sổ diểm cộng đi cộng lại, xem lại những bài kiểm tra, cuối cùng mời Thầy hiệu trưởng phát thưởng cho tôi. Theo qui định của thầy, trong tháng ai hạng nhất lãnh thưởng, ai lên nhiều hạng cũng lảnh thưởng, vậy tôi nhận luôn cả hai phần.
 Sau giờ chơi, được mời lên phòng hiệu trưởng để thưa chuyện với hai thầy, thầy Khoa hỏi tôi học cách nào có thời gian ngắn mà nhiều tiến bộ như vậy. Sau khi biết tôi không ăn tết để học, thầy vô cùng xúc động, sau khi thầy rời văn phòng, thầy hiệu trưởng cho tôi biết, tôi là một học sinh thầy Khoa  lo nhiều nhất, vì những học sinh kém khác là con chủ lò gạch hoặc nhà có tiền, không đậu được đệ thất để học trường công, cũng có trường khác để học; con tôi, nếu thi rớt phải về côi trâu làm ruộng, là điều thầy không muốn. Bấy lâu nay tôi thừơng oán trách, bây giờ mới hiểu được tắm long của người thầy, một ngưòi luôn hăm dọa để tôi học. Ngày nay thầy không còn trên cổi đời nũa, ơn đức của thầy không bao giờ tôi quên.
 Một điều vui mừng hơn nữa, chúa nhật đó mẹ đưa đi chợ Vảng, lần đầu tiên được ăn hủ tiếu ở chợ tỉnh, được mẹ mua cặp da theo ý muốn.
 Năm học đầu tiên là năm học có nhiều kỷ niệm, nhờ ơn thầy hiệu trưởng Võ Đình Phú, thầy Khoa, thầy Tường, nhờ ơn cha mẹ và người anh thương kính đã chuyển biến tôi từ chú bé chăn trâu trở thành một học sinh, tiếp tục dạy bảo cổ vũ để biến đổi từ từ một học sinh dở kém mang mặc cảm tự ti trở thành một học sinh có lòng tin, để xây dựng tương lai. Những năm sau có những lúc tôi được nổi bậc, nhưng năm đầu tiên vẫn là năm quan trọng nhất trong đời học sinh.


 Võ Châu Phương

Phần 1, Phần 2 Phần 3 đã đăng trong mục Dọc Đường Cát Bụi


Phiêu Du Ký

Web Design by CHN Production - Copyright © 2012, All rights reserved.