A Journal
Phiêu Du Ký ... Dọc Đường Cát Bụi ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com
Phần 1 - Năm học đầu tiên: Em bé chăn trâu
31/3/2012
Võ Châu Phương
Xin mời các bạn xem phần 1 - Em bé chăn trâu của Võ Châu Phương ...
Ngày nay nhờ có điều kiện và phương tiện, cha mẹ lại quan tâm việc học của con, nên các em nhỏ vào trường rất sớm, có những em được đi học từ lớp mầm, lớp chồi rồi đến mẫu giáo. Thời kỳ của chúng ta, đa số các bạn bắt đầu từ lớp một; riêng bản thân, tôi được chính thức học là lớp năm, lớp lớn nhất của trường xã. Sự đi học lạ lùng và lý thú nầy, cứ vài ba tháng mẹ tôi đem ra kể cho con cháu, người thân; thậm chí những bạn bè của tôi đến nhà cũng được nghe kể. Mỗi lần kể mẹ rất là vui dường như mẹ lấy làm tâm đắc cho những quyết định của người. Đây cũng một trong những câu chuyện mẹ kể cho tôi nghe trước khi giã biệt cõi đời khi tôi ngày đêm chăm sóc, chữa bệnh cho mẹ. Tôi lớn lên ở ấp Cái Tranh, một cái ấp ở giữa xã Mỹ An và xã Cái Kè, cách hai Xã bằng những cánh đồng ruộng rộng lớn và kinh đào. Con lộ dọc theo dòng sông Cửu Chuyên nối liền hai xã, đoạn đường đi ngang qua ấp từ cầu Bà Bổn đến kinh Thời Cai, cũng như những con đường chính khác trong thôn xốm toàn là hầm chông lụ đạn, mìn được cài đặt. Nghe đến đó các bạn cũng biết đây là vùng Việc cộng, tôi lớn lên trong những năm tháng chiến tranh khóc liệt; người dân ở đó, không một ai có thể biết mình còn sống sót đến ngày mai hay không, đâu ai còn có tinh thần để cho con ăn học. Hầu hết bọn trẻ như tôi không được đến trường, ngoại trừ một vài gia đình giàu có, hoặc có điều kiện. Mẹ tôi xuất phát từ gia đình có truyền thống ăn học; nên quyết tâm cho con học; tuy thế chỉ đủ khả năng cho anh tôi đi học mà thôi. Một học sinh đi học thời đó rất là vất vả và tốn kém cho gia đình, mới học cấp một, phải lên xã kiếm nhà trọ, lo cho việc ăn ở. Đến cuối năm 1969 có sự thay đổi, quốc gia đến, xây đồn bót, đường xá được sửa sang, đi lại dể dàng, đây thời điểm các bạn nhỏ, các thiếu niên trong xóm ấp thi đua nhau đi học. Các bạn ấy có thể đến trường xã học, hoặc đến ấp Cái Cạn, một ấp ở cạnh bên có chú Hoàng Khôn dạy học tại nhà. Trong năm đó, gia đình vừa nuôi vịt vừa nuôi trâu vừa làm nhiều ruộng; anh trai đang học trung học, anh học rất giỏi không thể cho nghỉ để làm ruộng, còn em trai, em còn quá nhỏ không làm bao nhiêu việc trên đồng, vả lại em đến tuổi phải đi học; nên tôi tiếp tục đi coi trâu và giúp cha làm ruộng. Tuổi thơ lớn lên êm đềm trên đồng ruộng, đúng như nhà thơ Giang Nam viết: Ai bảo chăn trâu là khổ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao Đây là giai đoạn thoải mái vui tươi nhất trong đời, không biết lo lắng, không phiền muộn, không hơn thua, không ganh đua; đói thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ. Vào thời đó, người nông dân một năm chỉ làm một vụ lúa, sau mùa gặt, có cả cánh đồng cỏ mênh mông tha hồ để cho trâu ăn. Mười gia đình nông dân thì có bốn già đình có trâu thành ra tôi có rất nhiều bạn mục đồng. Chúng tôi gặp nhau cùng nhau tham gia đủ trò chơi, từ những trò chơi như học sinh nam thường chơi như: u ranh, ném lon, thẩy đáo, bún thun, bắn bi, cút bắt, thả diều, đá banh ... Những trò chơi chỉ thấy ở bọn mục đồng như: chội lộn, vật lộn, vượt sông lấy vật, kéo tay, đẩy cây, đánh trận giả ... Mời bạn hãy nghe thử một trò chơi của bọn mục đồng, bạn có biết thế nào là đánh trận giả? Trò chơi nầy chia làm hai phe, hai người đứng đầu mỗi phe dùng đánh tù tì hoặc bắt thăm mà chọn lính cho phe mình. Phe giả việc cộng ẩn núp trong khu rừng, đây là những vườn cây do chiến tranh không ai chăm sóc, cây cói mọc um tùm, dây leo chằn chịt cách nhau vài mét thì không thể thấy nhau; còn phe giả quốc gia đi hành quân vào, đội hình chiến thuật của mỗi phe do chỉ huy sắp xếp, điều khiển. Vũ khí, dùng đất mềm làm đạn, ai bị ném trúng là chết; phe nào còn người sống cuối cùng là thắng trận. Để công bằng hai phe thay đổi vị trí cho nhau, phe chiến thắng là phe có nhiều trận thắng, được phe bại trận phục vụ tùy theo giao ước ban đầu. Những trò chơi nầy, khi kể bạn không thấy gì hay; nhưng lúc tham gia chơi rất là vui, rất là khí thế khi nghe la hét hò reo lúc xung phong đánh trận. Lúc đó tôi chỉ là chú bé, nhỏ nhất trong bọn, tuy vậy tham gia đủ trò chơi, đánh đủ loại bài bạc, qua tết chơi đá dế, vào đầu mùa mưa chơi đá cá lia thia. Chính những trò chơi giúp bọn mục đồng chúng tôi quên đi nắng dầu mưa dầm, quên đi những gian khổ của đồng án, giống bóng mát đối những lữ hành đang đi trời nắng, giống như những ngày nghỉ cuối tuần đối với những công nhân làm việc vất vả. Theo đàn trâu đi khắp nơi, qua những cánh đồng lận cận, đi đến đâu kết bạn đến đó; làm bạn một cách dễ dàng, không để ý ai tốt ai xấu, không phân biệt lớn nhỏ, cứ gọi nhau bằng mầy tao, nhưng thật là gần gũi. Cùng nhau bắt cá, bắt lương, săn chuột, săn chim, được con nào thì nướng ăn con đó. Cả bọn ngồi trên bãi cỏ, những thức ăn nướng xong đặt trên những tàu lá chuối, rồi cùng nhau mà ăn, không để ý ngon dở, không để ý đến sạch dơ, cứ dùng tay mà ăn; cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, sống một cách hồn nhiên. Đồng cỏ, con rạch, rặng bần, đàn trâu là những hình ảnh đồng quê gần gũi với tuổi thơ mà tôi không bao giờ quên được trong đời. Sau nầy, có những lúc đến Vĩnh Long đi học, rồi đến thành phố, ngay cả đi làm ở xa, mỗi lần về quê nhà, dù có nhiều người đang chờ đợi, tôi cũng biến mất hằng giờ, không ai biết tôi đi đâu ngoại trừ mẹ; mẹ biết tôi ra thăm cánh đồng, thăm vùng kỷ niệm của thời thơ ấu. Võ Châu Phương
|
Web Design by CHN Production - Copyright © 2012, All rights reserved.