PHIÊU DU KÝ

A Journal

Phiêu Du Ký ... Dọc Đường Cát Bụi ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com


Phần 2 - Năm học đầu tiên: Một sự thay đổi

10/4/2012
Võ Châu Phương


Xin mời các bạn xem phần 2 - Một sự thay đổi của Võ Châu Phương ...




      Cuộc đời đã quen dần cảnh nắng sớm chiều mưa, quen trên lưng trâu, quen mùi hương đồng nội, cứ ngỡ mình sẽ thành một nông dân thay cho cha mẹ làm ruộng; nào ngờ lại có một sự đổi thay.
      Mẹ tôi như bao bà mẹ nông thôn khác làm hết chuyện ngoài đông đến chuyện trong nhà, luôn hy sinh cho chồng con. Về xã hội, về gia đình, về tài chánh mẹ có tầm nhìn rất xa, nhất là về tương lai cho con cái, mẹ có kế hoạch con gái học may con trai học chữ. Các chị lớn đã đi học và trở thành thợ may trong ấp; mẹ đang cho anh và em đi học, còn tôi sẽ là người làm ruộng, với số ruộng cha mẹ hiện đang có hy vọng tôi sẽ trở thành một nông dân khá giả và phục dưỡng cha mẹ về già. 
      Ở đời, có những dự tính không theo ý muốn, trong ấp có một anh rất trẻ đi lính chết; chính cái chết của anh ta làm mẹ thay đổi, mẹ muốn tôi đi học dù đã muộn. Quyết định nầy mẹ lo cha sẽ không tán thành nào ngờ cha cũng có ý định như vậy, cha nói:
- Tui thấy bọn trẻ trong xóm đều đi học, còn nó coi trâu, tui buồn lắm! 
      Mẹ tiếp lời với cha:
- Tui cũng rất là khổ tâm mình ạ! đồng thời cũng là con, đứa thì cho học, đứa thì không. Tui càng khổ tâm hơn khi thấy mình quá là cực nhọc!
      Tôi vẫn còn nhớ ngày đó,  cha với máy tóc đã bạc trắng, hàm râu cũng bạc, trên khuôn mặt hiền từ, cha chậm rãi nói:
- Đến tuổi nầy rồi, dù phải làm nhiều hơn nữa cũng chẳng thấm vào đâu, miễn sao con có tương lai. 
      Trước đây quan điểm về việc học, cha cũng giống những nông dân khác đương thời, chỉ cho con học biết đọc biết viết là đủ; dường như quan điểm nầy thay đổi do anh tôi.  Anh là một học sinh học rất giỏi, năm nào cùng lãnh thưởng, được bạn bè kính nể, được thầy cô khen ngợi, được thầy hiệu trưởng Võ Đình Phú nhiều lần đến nhà thăm. Cha mẹ rất vui và hảnh diện vì ảnh, trong xóm ấp bà con rất coi trọng, ai cần viết thư từ hoặc làm đơn thưa kiện đều nhờ ảnh, thăm chí bán đất bán vườn gặp miếng đất hình dạng phúc tạp khó đo đạt, muốn được chính xác phải nhờ anh.
      Đối với tôi, anh là một thần tượng mà tôi vô cùng kính nể. Anh tôi không những là một người anh mà còn là người thầy, người bạn; những năm chiến tranh không đi học được, anh đã trở thành người thầy dạy tôi học, anh đã dạy vỡ lòng, dạy đọc, dạy viết và dạy làm toán. 
      Thỉnh thoảng tôi cũng được học ở chú Hoàng Khôn vài ba tháng trong một năm, khi cánh đồng đầy lúa, đàn trâu không còn chỗ để ăn, phải về chuồng ăn rơm khô, lúc đó tôi đi học. Sự đi học nầy thường bắt đầu học tháng chín âm lịch và kết thúc khi ăn tết, sau tết là mùa gặt. Chú Hoàng Khôn là một vị thầy có tiếng trong vùng quê, chú đã học xong tú tài một, là bạn thân của thầy hiệu trưởng khi còn trung học, nay về quê mở lớp dạy tại nhà. 
      Để chuẩn bị cho việc đi học, mùa hè năm đó anh phải bỏ nhiều thời giờ dạy học cho tôi với hy vọng, lúc xin học sẽ được lớp cao, để kích tướng cho tôi học, anh nói:
- Em không cố gắng học bây giờ, lúc xin vào trường, chỉ học lớp một hoặc lớp hai, học với mấy em nhỏ thì quê lắm; bọn nó thấy em cao to cứ tưởng là thầy giáo, té ra là bạn học cùng lớp. 
      Nghe anh nói vậy tôi lo sợ cố gắng học; dù cố gắng cách mấy ảnh cũng không vừa lòng, khi mẹ hỏi về việc học của tôi anh trả lời:
- Nó như con trâu chứng, như con ngựa hoang, ngồi học chưa nóng đít là nó bỏ đi, giảng bài cho nó rất là khó, đầu óc của nó để ở ngoài đồng, ngoài ruộng, không có tập trung.
      Mẹ tôi mới giải thích cho anh:
- Em con tối ngày ngoài ruộng, chạy nhẩy la hét trên cánh đồng, đồng ruộng thì mênh mông, bây giờ ngồi một chỗ trong nhà nó thấy tù túng, không quen. Con hãy kiên trì uốn nắn nó, nó sẽ học đươc.
      Mẹ quay sang tôi mà bảo:
- Mùa tựu trường mẹ sẽ cho con vào trường Mỹ An học, học ở đó khó lắm, không phải dễ dàng như học ở nhà,  con phải bắt đầu từ bây giờ, phải tranh thủ học hỏi ở anh con.
      Tôi là đứa bé chăn trâu phá quậy lắm, nhưng thương và sợ mẹ nên nghe lời không hút thuốc, không ăn cắp, không du côn, nay nghe lời mẹ phải học chớ thực lòng không muốn. 
      Mùa hè đó tôi học thật nhiều, học toán, học làm văn, đọc những sách, nhưng ngao ngán nhất là đọc sách học; học như vậy cứ luôn hỏi:
- Em sẽ học lớp mấy?
      Anh không trả lời tôi học được lớp mấy, mà bảo em phải cố gắng hơn, mức độ em học còn thấp lắm; mãi đến ngày rời nhà lên quận Minh Đức chuẩn bị cho mùa học, lúc đó anh mới nói:
 - Mẹ hãy xin cho em học lớp năm.
      Nghe được câu nầy, tôi nhảy dựng lên, như người ta trúng số độc đắc, giống như học sinh đậu được kỳ thi tuyển. Tôi nhớ hồi anh học lớp nhất tức lớp năm của tôi bây giờ, anh mặc áo sơ mi trắng quần tây xanh, mang đôi giày xăng đan, trên tay chiếc cặp da trông thật là oai phong làm sao. Nghĩ đến ngày mai nầy tôi sẽ giống như anh, mà cảm thấy lòng sung sướng, chắc rồi đây mấy bạn trong xóm, các bạn chăn trâu biết tôi học được lớp năm, bọn nó hết hồn mà khâm phục.


Võ Châu Phương

Phần 1, Phần 3 Phần 4 đã đăng trong mục Dọc Đường Cát Bụi


Phiêu Du Ký

Web Design by CHN Production - Copyright © 2012, All rights reserved.