PHIÊU DU KÝ

A Journal

Phiêu Du Ký ... Ngòi Bút Nổ ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com


Tết quê xưa

2/2/2013
Xuân Sơn



 

Bộ tem THÚ VUI NGÀY TẾT phá hành ngày 26-1-75 (Sưu tập: NXS)


Vào thời buổi thanh bình xưa, đa số dân Việt sống nhờ đồng ruộng, suốt năm làm lụng vất vả, Tết là lúc không có thời vụ, lúa mùa đã xong, lúa Chiêm chưa tới, thời tiết lạnh mát, rảnh rang, nên mọi người có dịp nghỉ ngơi, vui xuân.
 
Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Ngay từ khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, vào tháng chín âm lịch, người dân thôn quê đã phải chuẩn bị giống má, vườn ruộng, trồng tỉa, lo chăm sóc đàn gia súc…Các thợ thuyền bận rộn làm đồ đạc trang hoàng, sửa sang nhà cửa, chế tạo dồ gia dụng… Rồi vào đầu tháng Chạp Âm lịch, các nhà khá giả đã lo sơn quét, sửa sang nhà cửa, bày biện lại trong nhà; thay thế đồ cũ, may sắm quần áo mới, mua trữ gạo, đậu, lá dong, lá chuối, lợn heo, gà vịt để dành cho những món ăn không thể thiếu được trong dịp Tết.

Chợ Tết

Trước đây hầu hết người dân muốn mua bán đều đi đến các phiên chợ, như chợ làng dành cho dân cư trong một khu làng xóm khoảng năm bảy chục nhà, chợ chỉ có vài lều trống, mái lợp lá, lợp tranh dành cho hàng xén, tạp hóa, còn hàng rau quả, cá thịt, gạo thóc …bán ở ngoài trời. Người dân muốn mua vải vóc may quần áo hay dụng cụ làm nghề, làm ruộng thường phải lên chợ huyện, xa vài cây số, nơi có nhiều dẫy lều tranh, trên khu đất rộng gần đình. Chợ tỉnh là chợ lớn nhất, qui tụ nhiều người trong thành phố và từ các làng, xã…, có nơi phải đi bộ hàng chục cây số mới đến chợ tỉnh. Nơi đây có bãi đất rộng thường ở gần các khu thành quách, trại quan quân, có khu đất rộng với các dẫy nhà tranh…Ngoài những hàng thông thường như thực phẩm, nông phẩm, đồ gia dụng chợ tỉnh còn bán nhiều hàng gỗ như bàn ghế, tủ giường; nếu muốn mua trâu bò để kéo cày, bừa phải tới một khu khác gọi là chợ trâu bò.

Chợ không nhóm hàng ngày mà có các phiên. Tùy theo thông lệ từng địa phương, như chợ làng họp mỗi tuần vài lần theo ngày chẵn, lẻ; chợ huyện mở nhiều phiên chia đều vào các ngày âm lịch hàng tháng; chợ tỉnh có khi chỉ họp một tháng vài ba lần và cũng theo ngày Âm lịch. Mờ sáng đã có người đến chợ và buổi trưa chợ đã vãn.

Thường việc chợ búa thuộc bổn phận của người đàn bà Việt Nam, tan chợ mọi người tất bật ra về vì còn phải đi đường xa, về nhà thổi cơm trưa hay lo chăn nuôi và trông coi vườn nhà… 

Cho đến thập kỷ 40 của thế kỷ trước, người đi mua bán và việc chuyển vận chưa có xe cơ giới, đa số đi bộ, mang hay đội thúng, đeo tay nải hoặc gánh. Những hàng hóa nặng, cồng kềnh dùng ghe thuyền, xe trâu bò, xe cút kít, loại xe một bánh lớn bằng gỗ do một người đẩy…

Khác với thường lệ, từ 20 tháng Chạp chợ Tết đã bắt đầu nhóm họp, các phiên chợ Tết rất nhộn nhịp, có khi kéo dài cả ngày, có phiên mở đến chiều 30.  Các gian hàng đều có đầy hàng hóa, thực phẩm và nhiều thứ chỉ thấy bán trong dịp Tết mà thôi. Cây hoa, chậu kiểng, cành Mai, cành Đào để bà con mua về chưng bày;  Lá Dong,  lá

Chuối, gạo nếp, đâu xanh, các loại bôt, để làm bánh; mật mía để làm kẹo, nấu chè, chấm bánh chưng; đồ thờ cúng, hoa quả đủ loại vừa dùng trưng trên bàn thờ vừa để làm mứt. Các loại pháo đại, pháo cối, pháo tép, pháo xì, pháo tràng, pháo dây, pháo bánh, pháo lẻ. …được bán ở những chỗ riêng để phòng tránh hỏa hoạn. Những hàng đặc biệt để treo trong nhà như tranh in ván khắc và câu đối rất được ưa chuộng, cũng bày bán hoặc do các ông đồ nho viết ngay tại chỗ cho khách đặt mua.

Trang hoàng Tết

Sau chợ Tết mọi nhà còn lo dựng cây Nêu, trang hoàng trong nhà, gói và nấu bánh chưng, bánh Tét…Tục lệ dựng cây nêu từ chiều 30 Tết. Một cây tre dài, đầu ngọn úp một cái nồi đất hay cái nón cũ, trên ngọn treo các giấy vàng mã, vài cái khánh bằng đất nung hay kim loại để có thể phát tiếng kêu leng keng khi gió đẩy chạm nhau. Cây nêu chôn chặt xuống đất để trừ tà ma, buộc chúng không dám xâm phạm vào nhà đất có chủ.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh


Dân chúng dù có học hay không cũng ưa thích các câu đối, chữ chúc mừng viết bay bướm trên giấy màu đỏ dán ở nhà, vừa có ý nghĩa chúc lành vừa có tính cách truyền dạy nếp sống đạo đức, văn hóa. Đặc biệt tranh Tết in bằng ván gỗ khắc trên giấy Dó, vẽ theo lối dân gian, dùng màu xanh, sắc đỏ…từ các vật liệu thiên nhiên như vỏ cây, hoa lá,  đất đá…Tranh Tết nét vẻ mộc mạc, hình ảnh vui nhộn, màu sắc tự nhiên, hàm ý thịnh vựợng, phát tài lộc, phúc thọ… Mọi nhà, không phân biệt giàu nghèo cũng đều ưa thích, mua vài bức tranh Tết treo trên vách, trước cửa hay ở gian nhà giữa.

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om xòm trên vách bức tranh gà.

 
Do thờì tiết, đất đai có khác nhau, phía Nam mùa xuân ấm áp, khô ráo, ruộng đồng bát ngát, thẳng cách cò bay trong khi miền Bắc rét lạnh, mưa phùn, đất đồi núi cao thấp, nên thú vui, mừng Tết cũng có khác. Hoa Đào, Bánh chưng, thịt đông, hành muối, mứt sen là những món không thiếu trong các gia đình từ Huế trở ra, còn đàng trong mỗi nhà đều luôn có cành Mai, thịt heo kho tộ, dưa hấu, củ kiệu muối, mứt me. Trên bàn thờ Ông Bà, Tổ tiên miền nào cũng có mâm quả vừa dâng tạ công ơn tiền nhân vừa để cầu chúc trong gia đình, mong mọi người có cuộc sống Phú-Quí-Thọ-Khang-Ninh. Mâm ngũ quả miền ngoài có năm loại trái Phật Thủ, Đào, Thìu Lựu, Cam, Dứa. Trong khi miền Nam năm loại trái cây có nhiều trong dip Tết được bày thành mâm ngủ quả: Mang cầu, trái Sung, Dừa, Đu Đủ và Xoài. Đây chính là lời chúc có hàm ý: CẦU cho SUNG sướng và VỪA ĐỦ SÀI. Mâm ngũ quả còn có ý nghĩa như năm màu biểu tượng ngũ căn của Phật tính.

Bánh Tết                                                                                              

Bánh chưng, bánh Tét là món ăn không thể thiếu vào ba ngày Têt. Món quốc hồn quốc túy mà theo truyền thuyết từ đời vua Hùng Vương: Một trong các người con trai vua Hùng tên Lang Liêu đã được chọn kế vị khi dâng lên vua hai chiếc bánh có nhiều ý nghiã nhất: Bánh Dầy làm bằng sôi nếp giã và nặn hình như cái vung biểu tượng cho trời; bánh Chưng hình vuông dùng lá dong gói gạo nếp với nhân đậu xanh và thịt lợn bên trong rồi luộc, biểu tượng hình thể và màu xanh của đất với tài nguyên quý hóa nuôi sống con người. Bánh Chưng bắt đầu nấu từ chiều 29 hoặc 30, cho đến sáng 1 Têt thì vớt và ép nước. Trong khi chờ Giao thừa, gia đình quây quần bên bếp, vừa sưởi ấm, vừa kể chuyên, vừa để châm củi, châm thêm nước cho nồi bánh. Bánh tét còn có tên bánh đòn, cũng thường gói với gạo nếp, thịt heo, đậu xanh như bánh chưng, nhưng bánh có hình ống và đôi khi nhân ngọt với chuối, đậu đen… Cũng có ý kiến cho rằng bánh Tét mới là dạng nguyên thủy do người Việt xưa làm ra, một hình thức của tín ngưỡng phồn thực dân dã. 

Lễ Tết

Giao Thừa và Trừ tịch có nghĩa từ bỏ cái cũ, tiếp nhận cái mới vào lúc nửa đêm. Lễ Giao thừa diễn ra trong giờ phút trang nghiêm, kính cẩn tại mỗi nhà, đình chùa hay nhà thờ, mọi người tạ ơn Trời Đất, Chúa Phật, Ông Bà Tổ Tiên và nguyện cầu được đón nhận những ơn tốt lành, điều may mắn sắp tới. Trong giây phút thiêng liêng, tiếng chuông trống, tiếng pháo khuấy động không gian, làm náo nức lòng người, ai ai cũng hân hoan đón mừng Năm Mới, xua tan đi những gì xấu xa, xúi quẩy của năm cũ vừa qua.

Sau Giao thừa là tục Xuất hành, người ta chọn hướng đi thuận lợi, có thể đến các đình, chùa, cầu may, hái lộc, xin xâm. ..hoặc đến xông nhà của người thân quen để mừng và đem lại may mắn cho chủ nhà. Trong ba ngày đầu xuân còn tục lệ biếu xén, thăm viếng người thân trong gia đình, họ hàng và bạn hữu:

Nếu có gia đình:
Mồng một nhà cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy

Hay còn độc thân:
Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy

Thăm viếng cũng là dịp để chúc thọ, biếu quà, mừng tuổi… Trong khi các cuộc vui xuân cũng bắt đầu bằng những trò chơi may rủi, hên xui (đỏ đen) như đánh Chắn, Tam Cúc, Tứ sắc, xóc đĩa…hay thú chơi hoạt động như đánh đu, đá cầu, đấu vật…Cuộc chơi kéo dài cả thàng cho đến:
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…

Các tập quán và sinh hoạt ngày Tết Việt Nam từ xưa đều có nhiều điều vui hay và ý nghĩa. Mọi người đều có niềm vui riêng và chia sẻ niềm vui chung với người xung quanh. Tuy nhiên dịp Tết cũng là thời điểm ở nhiều nơi, nhiều nhà có mối lo lắng, sợ mất trộm của cải.

Trộm Tết

Tháng cuối năm Âm lịch tháng Chạp, còn được dân gian đặt tên tháng Củ Mật. Lúc mọi nhà, mọi người đều tích trữ tiền bạc suốt năm để mua sắm quần áo, đồ dùng mới, mua thực phẩm dành cho dịp Tết. Tháng Củ Mật thời cơ tốt nhất trong năm của phường trộm, cũng còn gọi là “đạo chích”. Cuối năm Âm lịch trời còn lạnh giá, dễ ngủ, những ngày cận Tết trời tối không trăng là thời điểm xẩy ra nhiều vụ trộm, cắp.

Miền Bắc vào những năm trước chiến tranh, có nơi nguyên một làng làm nghề trộm, làng có thần hoàng trộm. Kẻ trộm có thầy dạy và trước khi ra đi hành nghề phải khấn bên bàn thờ ông tổ của nghề và xin hướng đi làm ăn. Kẻ trộm chuyên nghiệp rất thận trọng, kín đáo không để lộ tung tích. Thời gian thuận lợi nhất đẻ hành sự là những đêm cuối tháng Củ Mật, 28-29 Tết, trời không có ánh trăng, lúc mọi người đang bận rộn, chú trọng lễ Tết.

Người giàu có nhiều tiền bạc, quần áo tốt, đồ dùng đắt tiền như đồ đồng thời xưa rất già trị. Nhưng nhà ở của người giàu thường kiên cố có vách ván và cửa gỗ hoặc tường xây gạch, lại nuôi nhiều chó trông nhà.  Để đột nhập vào nhà lấy của, trước hết kẻ trộm đánh bả chó bằng cách cho chó ăn hèm rượu hay đậu tương, trộn với lá cây bả chó, một loại cây rất độc còn có tên “huệ đất”. Chó ăn phải bả, uống nước và chết mau chóng.

Sau khi giết chó, kẻ trộm đi vòng căn nhà nghe động tĩnh và đoán xem nơi cất của cải đồ dùng
quý giá. Thường các nhà xưa chia ra phòng giữa để tiếp khách, hai bên cánh nhà có các phòng ngủ và bếp. Tiền bạc để ở phòng ngủ, đồ dùng như nồi, chậu đồng để trong bếp, nơi không có người ở ban đêm, kẻ trộm thường nhắm nơi đây để đào ngạch đối với nhà có tường gỗ ván hoặc khoét vách nếu nhà làm tường đất hay che lá. Thông thường trộm nhà giàu phải đào ngạch, đào đất sâu từ bên ngoài vách, rồi đào luồn dưới chân vách vào trong nhà, lỗ đào rộng lọt thân người. Khi đào dùng xẻn cán ngắn, nhẹ nhàng moi đất ra ngoài, không gây tiếng động. Trước khi chui người theo lỗ vào bên trong, kẻ trộm dùng thân cây chuối ở đầu úp một nồi đất, luồn vào nhà trước để đề phòng chủ nhà rình đánh. Sau khi thăm dò êm suôi, kẻ trộm bò vào, nằm yên quan sát xung quanh rồi móc mấy hột đậu xanh khô trong túi, ném từng hột về phía bếp hoặc quanh nhà, khi nghe âm va chạm từ đồ đồng mới bò về phía có tiếng phát ra, thu lượm các đồ đồng bỏ vào tay nải vải, bò trở ra lỗ ngạch vừa chạy trốn vừa xóa dấu vết trên lối đi. Vào thời gian trước chiến tranh Pháp-Việt, đồ dùng bằng đồng như nồi, chảo, ấm, chậu đồng là những món đồ có giá trị trong nhà tương tự như TV, máy điện tử thời nay.

Chính vì e ngại nạn trộm vào những ngày giáp Tết, gia chủ thường nhốt chó riêng và canh thức nấu bánh chưng cuối năm để đề phòng đạo chích.

Nạn ăn trộm ngày xưa thường vào dịp Tết, phần lớn nhắm nhà giàu, các vụ trộm rất khó tìm ra manh mối thủ phạm. Một phần trộm là một nghề bí truyền, có kỷ luật nghiêm khắc, điều đặc biệt kẻ trộm không dùng vũ khí chống người dù bị lộ. Rất khác với các vụ ăn trộm biến thành cướp của, giết người ngang nhiên như thời buổi hiện nay.

CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Trong cảnh tha hương nơi đất khách quê người, chúng ta nói chung mọi người đều có cuộc sống vật chất đầy đủ và hoà nhập mau chóng với nếp sống địa phương, nhưng vào dịp Tết Nguyên Đán vẫn bùi ngùi nhớ lại khung cảnh và không khí những ngày Tết xa xưa, nhiều nhà vẫn giữ được những tập tục rất hay đẹp và lâu đời: Nhớ đến Tổ tiên, quê hương, hội họp tại chùa, nhà thờ, thăm hỏi chúc tụng nhau, tìm về hương vị ngọt bùi nơi bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt… Người người cùng ước ao, mong đợi một ngày Tết được vui sướng đoàn tụ với người thân, bà con tại quê hương trong khung cảnh thân thương, không khí thanh bình, tự do, hạnh phúc.


Phiêu Du Ký

Web Design by CHN Production - Copyright © 2013, All rights reserved.