Hoa Lan Ngọc Điểm (từ internet để minh họa)
Bên cạnh hoa mai, hoa đào, hoa thủy tiên, vạn thọ... người Việt Nam còn có hoa lan trong dịp Tết Nguyên Đán. Ngoài những giống lan rừng bản địa, có sẵn trong nước Việt Nam, “đến hẹn lại lên...”, xuân về hoa nở rộ... như lan kim điệp vàng, long tu hồng hồng, huyết nhung đỏ thẵm, lan bầu rượu, lan hài paphiopedilium delanatii... còn có những thứ lan đất, trồng trong chậu nở đầy những chùm hoa đẹp, đủ màu, như cymbidium ở Đà Lạt... chúng ta còn có hàng ngàn thứ lan lai, lan nhập ngọai được thuần dưỡng nhiều năm, như dendrobium pompadour, dendrobium, nay cũng nở hoa vào mùa Tết như Lan bản địa…
Tất cả hoa lan, phong lan, hay địa lan, đều là những “ vương giã chi lan”, dành cho những người giàu có, nhiều tiền, lắm bạc... mua về nhà chưng trong dịp Tết... Người nghèo, hay kẻ bình dân, người trên bản thượng, chặt một giò phong lan trên rừng đem về nhà thưởng thức cái bình dị của lan rừng cũng đẹp và nhiều chũng loại, có ở bên hè...
Nhưng nói đến lan cho ngày Tết ở Việt Nam, mà không nói đến hoa lan ngọc điểm là một thiếu sót lớn, vì lan ngọc điểm có màu đẹp, dễ trồng, lại nở bông đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, dù rằng trong năm dài có bó phân tưới nước hay không. Lan ngọc điểm lại có mùi thơm dịu, thơm dai, quyến rũ, mà các loại lan rừng, lan đất, lan lai, lan nhập nội... không thứ nào có được...
Lan Ngọc Điểm là loại lan nhiệt đới, có tên khoa học là Rhynchostylis gigantea, mọc trong rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á, Từ Trung Hoa, Miến Điện, Lèo, Thailan, Ma Lai Á, Philippines, Việt Nam... Lan Ngọc Điểm nói chung có hai màu, màu trắng có điểm những đốm tím, vì vậy mới có tên là ngọc điểm. Loại hoa có màu tim tím, hồng không thấy trong thiên nhiên ờ Việt Nam, nhưng thấy bán nhiều trong các vườn lan của Thái Lan…
Trong Thành Phố Sài gon, trên những nhánh cây cao trên các đường quanh Dinh Độc Lập, quanh Dinh Gia Long, gần Thư Viện Quốc Gia, và trên nhiều con đường nữa, người viết thấy, mà không nhớ hết tên đường... cũng có nhiều Lan Ngọc Điểm mọc. Sau mùa Lễ Noel cho đến Tết, buổi sáng, buổi chiều, mùi thơm của Lan Ngọc Điểm thoang thoảng bay bay trong gió…
Trong nước Việt Nam ta, từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng có Lan Ngọc Điểm, mọc chùm gởi, bám rễ trên những cành cây cao, trong rừng sâu hay gốc cây quanh vườn bên hè... Lan Ngọc Điểm gần gũi với mọi người nên được đồng bào ta gọi với những tên thân mật, dễ thương. Ở vùng Đất Đỏ Bà Rịa vì thấy nó mọc trên cây me, nên nhiều người gọi nó là Lan Me; cùng ở Bà Rịa nhưng bà con vùng Hoà Long Long Phước lại gọi là Lan Mít, Lan Xoài, có lẽ vì nó mọc trên những cây mít cây xoài... Lan Ngọc Điểm mang rất nhiều tên gọi do những lá lớn thòng xuống như lưỡi trâu, nên có vùng gọi là Lan Lưỡi Trâu, hay Lan Đai Châu... Nhưng có lẽ tên gọi dễ thương nhứt là Lan Nghinh Xuân, hay Nghinh Xuân Lan,..vì nó trỗ bông vào lúc mọi người đang lo đón xuân,..Vì hoa lan có nhiều tên gọi, mỗi địa phương cho một tên nên đễ gây lầm lẫn... nên các nhà khoa học dùng chữ La Tinh hay chữ Hi Lạp để đặt cho tên gọi của cây lan, cũng như đặt tên cho các thứ cây, hay các con vật khá bằng tên với cổ ngữ. Cho nên gọi Lan Ngọc Điểm là Rhynchostylis gigantea.
Trên đĩnh Núi Lớn, Núi Nhỏ , ở Vũng Tàu xưa cũng có nhiều Lan Ngọc Điểm, thơm với những chuỗi bông dài,...Dọc theo đường Saigòn Vũng Tàu, trên núi Dinh, Núi Ông Trịnh, Núi Thị Vãi, hay Núi Nứa Bà Trau trong Đảo Long Sơn, vẫn tìm ra Lan Ngọc Điểm, Trong vùng Núi Long Phù, Phuớc Hải, ...trên Núi Dinh Cố, Núí Chân Tiên, trong vườn nhà người dân ở vùng Chợ Bến, An Ngãi, Tam Phước.., trong khu vực cây cao bóng mát quanh Đình Thần Long Phượng cạnh bên Bàu Thành ở Long Điền; ở trên núi Long Hải, cạnh Mũi Kỳ Vân, ... chỗ nào chúng tôi cũng thấy có Lan Ngọc Điểm đeo bám trên cây cao, cây thấp.. toả thương thơm sáng chiều mùa Tết...
Trong trung tâm thành phố Bà Rịa, trên những nhánh cây sao, cây giá tị, cao chót vót, trồng hai bên Nhà Thờ Bà Rịa hay trên đường Thanh Thái... ngày xưa, người đi đường vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm của Lan Ngọc Điểm vào những buổi sáng chiều, muà Tết, trong mùa gió chướng...
Xa hơn trong hướng vào Hoà Long, vùng Ngã Tư Xóm Cát, cây cối um tùm, nhiều vườn cây ăn trái sum sê, râm mát, thuận lợi về ẫm độ cho Lan Ngọc Điểm mọc trên những ngọn cây vú sữa cao; những cây xoài nhiều táng rộng, những cây lê ki ma cao, cho đầy bóng mát thuận lợi cho Lan Ngọc Điểm... sống lâu đời, nên có những cây lan dài, to mập, cho những chuổi hoa dải gần hai gang tay.
Khoảng năm 1979, 1980 , Phòng Văn Hóa Huyện Châu Thành qui tụ các người chơi lan trong vùng thành một Câu Lạc Bộ, Hoa Lan, Chim, Cá, Cây Cảnh,... và một cuộc triển lãm được tổ chức tại nhà thủy tạ trong Dinh Tỉnh Trưởng cũ, được dùng làm Phòng Văn Hóa Thông Tin Huyện, một người chơi lan là cư dân trong Ngã Tư Xóm Cát nói trên, đã đem ra trưng bày một chậu Lan Ngọc Điểm đặc biệt, mà anh ta xin được một năm trước đó, trong vườn nhà bên cạnh, khi người ta đốn cây vú sữa già, lấy chỗ cất nhà ra riêng cho đứa con trai mới lớn, ...Cây lan to lớn, có gốc cây cao gần một thước rưỡi, với hai hàng lá dài, xanh mướt, cong cong buông xỏa hai bên, ai thấy cũng cho là... thiệt đẹp... Học hỏi từ những người chơi lan tại địa phương, anh đã cho vào chậu... lấy cây chống đỡ, tưới nước bón phân theo qui trình học được của anh em chơi lan. Sắp tới mùa ra bông, cây lan trỗ hơn một chục phát hoa. Tin vui đồn ra, anh em chơi lan tới coi và bàn tán thật vui; anh hãnh diện vì có chậu lan đẹp.
Do nhiều người đốc thúc, anh ta chịu đem chậu lan ra triển lãm trong mấy ngày Tết. Chậu lan lúc đó có 11 chuỗi bông dài, được đặt trong một chỗ thật trang trọng, an toàn... trong nhà thuỷ tạ, được anh em cắt người trông coi, bảo vệ, giải thích với mọi người xem. Ai cũng trầm trồ khen ngợi về chậu lan đẹp, chăm sóc công phu... Có người đề nghị anh đưa cây lan về Saigòn dự thi trong Hội Hoa Xuân tổ chức trong dịp Tết tại Vườn Tao Đàn, hi vọng có giải thưởng lớn và, hi vọng có thể bán được với số tiền lớn... nếu gặp người giàu chơi lan muốn kiếm hàng độc đáo... Anh phản đối, vì anh không muốn bán; đem nó đi Sài Gòn, anh ta sẽ... “nhớ” nó không chịu nỗi; từ một năm nay, anh ta ăn ngủ bên cạnh “nó”… vui vui nhìn ngắm nó…
Trong một ngôi chùa gần Nghĩa Địa Việt Hoa ở Thị Xã Bà Riạ, anh em chơi lan trong vùng ai cũng nễ phục một vị sư trẻ có một vườn lan lớn, với gần hai ngàn chậu lan ngọc điểm, góp nhặt, thu mua từ những người đi rừng... kiếm được trong khi đi đốn cũi, hay từ vườn nhà của các Phật Tử. Vị sư đã chăm sóc các giò lan, tưới nước, tưới phân coi như việc làm thư giản sau những giờ kinh kệ…
Rừng Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng, vườn cây quanh nhà thu hẹp lầnn lần để lấy nơi cất nhà... khiến nơi môi trường sống càng ngày càng thu hẹp lần lần. Lan Ngọc Điểm hay bất cứ thứ lan nào sẽ không tìm thấy trong thiên nhiên. Tất cả đều cũng phải được nuôi trồng mới có.