PHIÊU DU KÝ

A Journal

Phiêu Du Ký ... Ngòi Bút Nổ ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com


Phần 1: Cà phê của Duy Thiện

23/3/2012
Duy Thiện


 


Những ngày cuối tháng 3, trời cũng sắp bắt đầu đi vào hạ rồi, nắng chan chát cứ hắt vào mặt mỗi khi buớc chân ra ngoài đường bất kể khi trời còn sớm hay xế trưa, vậy mà đứa bạn rủ mình đi cà phê thì chẳng chút ngại ngần gật đầu đồng ý đi ngay không xíu chần chừ gì cả. Xưa giờ có bao giờ mình thích lê la cà phê đâu, huống hồ chi lại đi vào giữa buổi trưa nắng đổ đơm đớm mắt thế này, thật ra mình chưa bao giờ uống được cà phê mà không có kèm thêm sữa, thêm kem hoặc cơm sầu riêng đâu nhe. Có lẽ do mấy tháng nay cứ ở lì trong nhà không nhìn thấy mặt trời nên ham hố đi đây, đi đó, kể cả buổi trưa trời đứng bóng, nóng như thiêu như đốt như vầy, nhưng lúc được ngồi thảnh thơi thuởng thức cà phê thì cảm nhận cuộc sống nhàn tản làm sao, thế mới biết lợi hại của cà phê! Lại chuyện lạ đời nữa là tự dưng rất  thích những gì liên quan tới cà phê, mấy bài thơ "con nhái" ra đời và mình mới vừa sưu tầm được mấy đoản văn lãng mạn về cà phê vừa đắng, vừa ngọt và thật thơm tho nhiều huơng vị ở đất Sài Gòn xưa, phải chia sẻ với bạn mới được. Mời bạn đi cà phê cùng mình nhe!

 


Tản mạn một thời cà phê Sài Gòn:

Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên; hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Cứ như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia; nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.

 


Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công. Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ “chữ nghĩa” lắm; “ông”, “bà” nào cũng tha tập cours quằn tay, cộng thêm các tập san Sử địa, Bách khoa, Văn và vân vân…

Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may áo dài Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó xéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung tâm Thực nghiệm Y khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm, chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại. Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng  ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu. Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành một cái “mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người. Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán – những thanh niên xốc xếch một chút, “bụi” một chút (làm như không bụi thì không là trí thức) – đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly.

Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài. Quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó. Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì, nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xang lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười, trừ cô chị. Những năm 1980, Cà-phê Hồng không còn, tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn vào chốn xưa và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển “chim di” giờ mờ mịt phương nào?

Xin xem Phần 2: Cà phê của Duy Thiện

Phiêu Du Ký

Web Design by CHN Production - Copyright © 2012, All rights reserved.