Ai sinh ra, lớn lên ở làng quê hẳn đều có những cái tết gắn liền với dòng sông, bờ tre, cây đa, bến nước ... Tôi cũng vậy, cứ mỗi khi tiết trời sang tháng Chạp, đó đây nhiều người chộn rộn chuẩn bị Tết, lại thường bâng khuâng nhớ những cái tết quê nghèo thưở ấu thơ xưa.
Làng Hương Cần quê tôi nằm bên sông Bồ. Làng nổi tiếng vì có giống quýt ngon từng đi vào thơ Tố Hữu ("Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt"). Nhưng xa xưa hơn, làng Hương Cần lại là nơi lưu dấu bao kỷ niệm nhân văn khác. Năm nào đó cách đây cũng gần hai trăm năm, Đại thi hào Nguyễn Du trong một chiều mưa tháng Chạp đã dùng địa điểm của làng làm trạm trường đình, đề thơ tiễn người bạn già làm quan ở kinh đô Huế, nay được nghỉ hưu trở về Bắc phụng dưỡng mẹ già. Bài thơ chữ Hán được viết trong Nam Trung Tạp Ngâm, dịch nghĩa như sau:
Dọc đường cái quan qua Hương Cần, sắc liễu xanh xanh
Kẻ phía bắc sông, người phía nam sông, tình vô hạn
Con oanh trẻ vườn vua hay tranh nhau về sắc
Rau thuần già quê nhà vẫn còn nấu canh được
Triều đình có đạo, khiến anh tròn chữ hiếu
Trúc đá cười tôi không trọn lời thề
Bồi hồi ảo não đêm sâu một mình đối bóng
Tiếng mưa đầy cả giường nghe không chịu nổi"...
Ngày tháng Chạp năm xưa đó thật là buồn. Vậy nhưng không hiểu sao, cứ mỗi khi tháng Chạp về làng lại da diết nhớ cái buồn ấy. Âu cũng là buồn để còn vui ba ngày tết đã cận kề.
Thường vào tháng Chạp, người dân làng đi chạp mồ mả để người khuất xa cũng có cái tết. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cha tôi thỉnh thỏang cho tôi từ Huế về quê ăn tết. Tôi ở nhà bác Sắt là nhà từ đường nên lễ nghi cúng cấp hơi nhiều. Ngày xưa, từ sau ngày đưa ông Táo về trời, có nhiều nhà dựng cây nêu. Bác Sắt của tôi thường cho dựng nêu vào buổi chiều. Cây nêu mọc ngay trong sân, trước sự reo hò ầm ỉ của trẻ con trong phe Kiền. Cây nêu thường được chọn từ bờ tre trước nhà. Cây tre nào cao nhất là được chọn. Chọn xong tre, bác Sắt sai người con trai đầu đốn hạ, trẩy mắc tre song chừa lại cái đọt tre có đám lá. Thế rồi không biết từ đâu, bác lấy ra cái bùa bằng tấm vải màu vàng treo vào đọt tre. Lúc bấy giờ người con trai cũng đã đào xong cái hố. Chuẩn bị đâu đấy xong xuôi, bác lập bàn thờ làm lễ thượng nêu. Cái khoảnh khắc vui nhất của bọn trẻ con chúng tôi là lúc gốc cây nêu được đặt xuống hố, nén đất lại. Cây nêu cao vút tầng không, đọt tre với cái đạo bùa bay bay trong gió, trong nắng chiều, hứa hẹn năm mới ma quỷ không thể bén mảng đến ngôi nhà ấm cúng này được nữa. Thường cứ dựng nêu xong, bắc Sắt thường xoa đầu tôi nói: -"Thằng ni túi ni chắc ngủ hết mộng mị rồi". Thế rồi không biết từ khi nào, cây nêu không thấy bà con dựng nữa, cây nêu chỉ còn nằm trong cổ tích, trong câu chuyện kể về cây nêu, đạo bùa do Phật bày cho dân lành để đẩy lùi quỷ dữ, bảo vệ mùa màng ấm no và hạnh phúc gia đình, thôn xóm.
Làng Hương Cần quê tôi nằm ven sông nên có một thói quen là tẩy trần ăn Tết. Bất kỳ ai, chiều ba mươi, thông thường thì chạng vạng hoặc quá bận bịu thì chậm lắm, trước lúc cúng giao thừa phải lo đi tắm. Dù có lạnh lẽo đến đâu cũng phải tắm gội, không được để sang năm mới. Tắm ở làng làm chi có chuyện nấu nước nóng mà tắm. Bởi vậy dù có lạnh đến mấy đi nữa, cũng phải vận động cho ra mồ hôi mà nhảy xuống sông ùm một cái. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều "ý thức" được rằng: biết bơi là một, tắm sông vào tiết trời lạnh mà chịu được là hai, thì xứng đáng một người có sức khỏe. Tôi cũng nhờ vậy mà nhanh chóng biết bơi và cũng ùm được xuống sông lúc gió mùa căm căm rét. Nhưng tắm sông lúc trời ấm vẫn hay hơn vì cái lần tắm cuối năm của tụi con nít bao giờ cũng lâu, có khi dài cả hơn một tiếng đồng hồ. Có đứa tắm đi rồi tắm lại, chuẩn bị cho đón giao thừa rất dữ, song rồi mệt quá lăn ra ngủ, không biết giao thừa là chi nữa. Tôi nhớ có năm làng nghèo lắm, Tết đến nơi rồi mà nhà nào cũng còn lo chạy bữa, nói chi đến tết. Cả bọn con nít cũng buồn so. Tắm cuối năm xong, trời quá lạnh, mà áo quần đứa nào cũng phong phanh, vậy là lên ngồi quây tròn với nhau trên bến nước, vừa che gió lạnh vừa nói chuyện. Chuyện gì đâu mà buồn quá, vui quá, giờ không nhớ là chuyện gì nữa. Một cái đáng nhớ khác là cúng giao thừa. Tôi không biết rành chữ Hán nhưng cứ theo lời bác Sắt cắt nghĩa nôm na cho tôi: "Giao là đưa qua, thừa là nhận lấy. Giao thừa là cái lúc năm tiễn năm cu di, đón năm mới về" thì quả là dễ hiểu ... Bác Sắt dặn vào cái giờ đó không nên làm cái gì để cho người lớn phải la rầy mà xui xẻo cả năm. Bởi vậy tôi thường ngồi góc sân xem bác cúng giao thừa. Mâm cổ giao thừa của bác bao giờ cũng có con gà trống được bác gái lận rất đẹp. Đầu con gà luộc rồi song vẫn ngóc lên, kiêu hùng và ngạo nghễ. Thường cúng xong là đốt pháo tép. Tiếng pháo tép vui tai một lúc rồi thôi. Không như sau này người ta đốt cả pháo tống, nổ như bom nổ trước nhà, gây bao tai nạn thương tâm để phải bị cấm. Ngày xưa cúng giao thừa đốt pháo xong vẫn nghe tiếng gà gáy. Như vui với đất trời chuyển sang xuân, có năm gà từ xóm trên xóm dưới đua nhau gáy, rộn rã khắp làng. Từ đó tôi mới nhận ra con gà coi vậy mà có cuộc sống riêng vui ra phết. Đêm khuya vắng lúc người ta ngủ, chúng vẫn sống rộn rã trong tính cộng đồng gà rất cao.
Ngày xưa, cái giờ khắc giao thừa có quá lắm điều kiêng cữ. Nào là kiêng bị la bị mắng, kiêng đi ra ngoài vấp rễ cây bổ, kiêng gặp cả con mèo đầu năm, kiêng nghe tiếng cú kêu lúc giao thừa..., bởi vậy không ai dám đi ra đường nữa cả. Bây giờ thì khác, thanh niên trong làng còn có một cái Tết khác trong đêm giao thừa gọi là "Tết ngoài đường". Những năm gần đây, tỉnh thường tổ chức vui tết ở trước Đại nội Huế, có vui chơi ca hát, hội chợ hoa, đôi khi bắn pháo hoa ở bờ sông Hương lúc giao thừa. Nam thanh nữ tú Hương Cần không bỏ lỡ dịp này, họ chở nhau đi xe máy, xe đạp từng đòan vượt 12 cây số từ làng lên Huế chơi, quá giao thừa mới quay về. Từ đó, các thứ kiêng cữ trong đêm giao thừa không còn quan trọng mấy. Thế mới biết trong thời hội nhập, người làng cũng hội nhập khá nhanh, kể cả cái tết.
|