PHIÊU DU KÝ

A Journal

Phiêu Du Ký ... Dọc Đường Cát Bụi ... Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: info@CHNproduction.com


Cảnh báo về phê bình 'ren rỉ, đổ thừa'

31/8/2012
Vũ Thanh Phương


Vũ Thanh Phương chia sẻ với các bạn bài Cảnh báo về phê bình 'rên rỉ, đổ thừa' của Inrasara, xin mời xem ...



Inrasara, tác giả tiểu luận “Mười căn bệnh phê bình …” cho rằng, phê bình đang có hội chứng rên rỉ và đổ thừa. Bên cạnh đó là những nhận định mơ hồ dẫn đến việc báo động giả, báo động ăn theo.

1. Thời gian qua, giới viết lách đã bắt mạch để chỉ ra căn bệnh của phê bình. Phải chăng phê bình của ta đang có nhiều vấn đề bức xúc thưa ông?

Quá nhiều nữa là khác. Tôi quan sát, lượm nhặt chúng và phân tích trong tiểu luận “Gọi tên mười căn bệnh phê bình …” Đó là Phê bình bình và tán, Phê bình độn giai thoại, Phê bình chung chung, Phê bình hũ nút, Phê bình núp bóng, Phê bình bè phái, Phê bình du kích, Phê bình quan phương, Phê bình hàng hai, Phê bình liếc nhìn. Sinh hoạt phê bình mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các sản phẩm cuối cùng được tập hợp trong tập sách vài trăm trang, rồi tự tin kêu đó là “tập lý luận - phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn... gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại vui vui, trích đoạn tùy tiện, nhận định vô bằng, cùng những ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại ...

2. Trước đây là thế, từ đó đến nay ông có phát hiện thêm “căn bệnh” nào khác?

Về phê bình, quanh quẩn bấy nhiêu thôi, ta nhai lại năm này sang năm khác, vẫn không hết chán. Riêng phê bình đối với phê bình lý luận, ở ta nảy nòi thêm căn bệnh mới, mà tôi tạm đặt cho cái tên “hội chứng rên rỉ và đổ thừa”, rên rỉ và đổ thừa sai mục tiêu. Kế đến là “hội chứng báo động giả”, báo động ăn theo đầy tính cơ hội.

3. Ông có nói đến “hội chứng rên rỉ và đổ thừa” cùng với những tiếng còi “báo động giả”, liệu ông có nhận định hơi quá?

Chẳng quá tí nào cả đâu.

Không ít người từng gióng chuông báo động giả, trong khi chính bản thân ta rất đáng bị báo động! Ta không hiểu gì về hậu hiện đại, mà cứ phát biểu bừa, không là đáng báo động thì còn kêu bằng nỗi gì? Ta kêu “thiếu chuẩn”, “loạn chuẩn”… Thế mà khi ta bị vặn ngược lại, vậy đâu là “chuẩn”? Nó được đặt trên nền tảng mỹ học nào? Thì ta lúng túng không biết đặt tay vào đâu. Nghĩa là, chính kẻ phát ngôn đầy hào hứng kia đang tiếp tục chương trình cảm tính với chung chung, để đóng góp phần mình vào nỗi “loạn chuẩn” kia, mà không tự biết!

Nữa, khi ta đánh đồng các bài PR với bài phê bình, rồi ta kêu rằng phê bình xuống cấp gì gì đó. Ta cho chính thủ phạm kia đang giết chết phê bình chân chính. Ta kêu, và ta bắt chước nhau kêu, mà không nhận biết rằng đó là hai hoạt động chữ nghĩa hoàn toàn khác nhau. Riết rồi tiếng kêu đó lây lan để trở thành một thứ hội chứng rên rỉ và đổ thừa khó chữa trị.

Nó chỉ đáng than vãn, khi các “kiểu” phê bình ấy không được đặt trên nền tảng lý luận nào, mà chỉ là những phát biểu tùy hứng đến tùy tiện. Phê bình kiểu này thừa mứa ra.


Phiêu Du Ký

Web Design by CHN Production - Copyright © 2012, All rights reserved.