Bệnh đổ thừa
30/8/2012
Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Nhà tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã trao đổi về căn bệnh tâm lý đổ thừa hiện đang khá phổ biến. Họ đổ thừa cho mọi thứ về những thất bại của mình ... mà không nhận thấy phần nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân mình.
1. Vì sao một số người lại “chuộng” bệnh đổ thừa?
Do nhu cầu tự vệ tâm lý, sự đổ lỗi cho hoàn cảnh sẽ tạo cảm giác an toàn tạm thời khi bản thân mắc lỗi nào đó. Dần dà hành động đó trở thành thói quen ăn sâu vào cách nhìn nhận những thất bại trong đời.
Thật ra không chỉ người trẻ mới “chạy trốn lỗi lầm” mà ngay cả người lớn đôi khi cũng thế. Tuy nhiên, hiện tượng này gặp ở tuổi trẻ nhiều hơn, do thiếu kinh nghiệm sống nên đôi khi họ chưa biết phân tích thấu đáo vấn đề để nhận ra nguyên nhân tiềm ẩn là từ bản thân mình.
2. Căn bệnh này sẽ tác động ra sao?
Thói quen này sẽ ươm mầm cho sự đổ vỡ mối quan hệ, khi đổ chiếc gánh trách nhiệm cho người khác, bản thân bạn ấy sẽ đánh mất lòng tin của mọi người. Nhưng tác hại lớn nhất là bạn sẽ không thể hoàn thiện mình nếu như không can đảm nhìn nhận những lỗ hổng của bản thân.
3. Cách chữa trị bệnh này ra sao?
Nếu đã quen nhìn cuộc sống với chữ “tại, do, bởi” trên lăng kính của mình, hãy tập so sánh: “Vì sao những người khác cũng có hoàn cảnh như mình nhưng họ vẫn làm được?” để tìm ra nguyên nhân từ bản thân. Đặc biệt, hãy một lần thử cảm giác vui sướng khi ... nhận lỗi. Sau sự phê bình ban đầu sẽ là sự tôn trọng và tin tưởng của mọi người dành cho một người dám nhận trách nhiệm. Thất bại là mẹ thành công, không ai trong đời trở nên hoàn thiện mà chưa từng thất bại cả.
|